Một người cởi mở, nhiệt huyết nhưng rất nguyên tắc trong công việc. Mang nhiều tâm tư với nền dịch thuật nói riêng và văn học hiện nay nói chung, dịch giả Nguyễn Vân Hà đã dành thời gian thực hiện cuộc trao đổi ngắn trên cả hai cương vị: dịch giả và độc giả.
- Được biết, trước khi trở thành Dịch giả, chị là giảng viên ngữ văn của một trường Đại học có tiếng ở TP Hồ Chí Minh. Xin chị cho biết, liệu cứ là giáo viên ngữ văn thì sẽ có khả năng dịch sách không? Ngoài điều kiện cần là giỏi ngoại ngữ, điều kiện đủ là gì?
Không phải cứ là giáo viên, giảng viên ngữ văn sẽ dịch được sách. Nhiều người có khả năng dạy nhưng khả năng đọc hiểu và cảm thụ văn học kém, nên không thể hiểu được tác giả, dẫn đến nếu có dịch chỉ là dịch câu chữ, không chuyển tải được tinh thần của tác giả, tóm lại là có dịch thì dịch không đạt, không tới nên theo tôi, dịch không được. Vậy nên ngoài giỏi ngoại ngữ, muốn dịch, phải giỏi cả tiếng mẹ đẻ, và phải nắm được văn hóa của hai ngôn ngữ nguồn và đích. Chưa kể dịch giả cần có thái độ làm việc khoa học và cầu thị, cần bỏ thời gian ra tìm hiểu tác giả, tác phẩm, thời điểm và bối cảnh tác phẩm ra đời, tâm ý của tác giả gửi gắm vào tác phẩm v.v.. trước khi hoặc trong khi dịch. Hiện nay dịch giả ở Việt Nam nhiều nhưng do thời gian, cách thức làm việc chưa được bố trí khoa học, phí dịch thuật cũng chưa cao nên ít người dành hết tâm ý cho việc dịch thuật, dẫn đến các sản phẩm cho ra đời nhiều khi còn vụng, sót, “mì ăn liền”, chạy theo trào lưu v.v..
- Cuốn sách Bí Ẩn Nữ Tính chị đã dịch, sau khi ra mắt, đã giành được giải thưởng Sách hay. Chị có thể cho biết, một số khó khăn gặp phải khi dịch cuốn này?
Khi dịch Bí Ẩn Nữ Tính, tôi không gặp nhiều khó khăn về mặt ngôn ngữ, chuyên môn lẫn văn hóa khi chuyển tải tác phẩm do bản thân vô cùng tâm đắc với tư tưởng của tác giả và nội dung mà tác giả đề cập vốn rất quen thuộc với tôi (tôi dạy Văn hóa Anh-Mỹ nên đọc khá nhiều sách về nghiên cứu văn hóa và nghiên cứu giới). Khó khăn nếu có chỉ là khi chuyển ngữ tôi đang trong quá trình chuyển nhà từ nước ngoài về Việt Nam nên công việc bị kéo dài so với dự kiến, dẫn đến việc xuất bản muộn.

Bí Ẩn Nữ Tính của tác giả Betty Friedan, dịch giả Nguyễn Vân Hà, vừa đạt Giải thưởng Sách Hay 2016 ở hạng mục sách Phát hiện mới.
- Gần đây, thấy chị đang trong quá trình dịch lại một số tác phẩm kinh điển đã từng có mặt ở Việt Nam rất lâu. Theo chị, việc có nhiều bản dịch mang ý nghĩa như thế nào?
Việc có nhiều bản dịch sẽ giúp bạn đọc có nhiều chọn lựa tốt hơn. Cũng giống như lúc trước ta sống thời bao cấp, chỉ được ăn món này do người này làm. Nay ta sống trong nền kinh tế thị trường thì có vô số món ăn từ các đầu bếp khác nhau làm, và với tư cách khách hàng, ta xứng đáng có nhiều lựa chọn tốt hơn, từ đó chọn ra thứ tốt nhất hợp với mình. Sách kinh điển ở Việt Nam có rất nhiều cuốn cần được dịch lại, vì trước kia nguồn sách khó tiếp cận, bạn đọc cũng không giỏi ngoại ngữ như hiện nay. Nay nguồn sách dễ tiếp cận hơn, trình độ ngoại ngữ của bạn đọc lẫn dịch giả cũng tốt hơn, bản dịch ra đời sau sẽ sửa sai những lỗi người đi trước do vô tình hay hữu ý phạm phải và nhờ đó, đem tới những thứ mới mẻ hơn, hay hơn cho người đọc. Chưa kể, ngôn ngữ luôn thay đổi theo thời gian, có những tác phẩm dịch dùng ngôn ngữ cũ giờ sẽ không hợp với bạn đọc hiện tại.
- Hẳn một người tham gia dịch sách phải đọc rất nhiều. Chị thích thể loại sách nào? Xin cho biết lý do, tại sao dòng sách đó lại hấp dẫn đối với chị.
Tôi đọc tùy hứng và tùy nhu cầu. Khi cần nghiên cứu, tôi đọc nhiều sách chuyên ngành (về ngôn ngữ, văn hóa, triết học chẳng hạn). Khi cần giải trí, tôi vẫn đọc các sách thuộc dòng trinh thám, fan-fic (gần giống ngôn tình nhưng của Phương Tây) hoặc văn học kinh điển, văn học hiện đại. Nói chung tôi không bó buộc mình vào dòng sách cụ thể nào. Có những cuốn sách tôi đọc rất nhanh cũng có cuốn tôi ngâm khá lâu và đọc mãi không xong. Nguyên do có thể tôi đọc nhanh vì cảm được tinh thần tác giả, hoặc thích tác phẩm đó, song cũng có thể do tác phẩm đó chẳng có nội dung gì, nên tôi đọc nhanh kiểu đọc báo. Song một tác phẩm hay, theo tôi, phải tạo dấu ấn nào đó nơi người đọc. Để nếu có dịp được nhắc tới, ví dụ anh A chị B viết tác phẩm C, D gì đó, thì ta có thể bảo, Ồ cuốn đấy anh ấy chị ấy làm tôi thích ở điểm này điểm nọ. Còn nếu nhắc đến mà không nhớ ra điều gì về tác giả lẫn tác phẩm thì đó là cuốn sách dở.
- Trên cương vị là một người đọc, liệu có một kinh nghiệm hay linh cảm nào đó về một tác phẩm được dịch tốt hay không?
Tôi luôn đọc qua vài trang một tác phẩm nào đó rồi mới mua (tiếc là đôi khi mua sách trên mạng lại không làm được thế!) Khi đọc dù chỉ vài trang, ta sẽ có linh cảm rằng tác phẩm có được viết hoặc dịch tốt hay không. Nếu viết thì sau vài trang phải khiến người đọc thích thú ở điểm nào đó, ví dụ cách tả tâm lý, ngoại hình nhân vật, cách xây dựng đoạn đối thoại v.v.. Nếu là dịch phẩm thì câu chữ có suôn không, đọc có trôi không, có dễ hiểu không v.v.. Nếu có gì vướng mắc thì hoặc tác phẩm đó chưa tới, người viết hoặc người dịch chưa tới và ta không nên vội mua làm gì!
- Theo chị, đọc sách là để có thêm thông tin hay còn phục vụ cho việc thay đổi bản thân?
Đọc sách vì nhiều mục đích, theo tôi, tùy người và tùy hoàn cảnh mà mục đích sẽ khác nhau. Có khi ta đọc chỉ để giết thời gian.
7. Chị có thể kể về một cuốn sách, hay tác giả đã làm thay đổi một quan niệm nào đó trong cuộc sống của mình?
Nếu kể một cuốn làm thay đổi quan niệm sống thì khó quá, vì ở từng độ tuổi khác nhau, tôi có quan niệm sống khác nhau. Ví dụ, lúc học cấp 3, tôi thích cuốn Đắc nhân tâm của Dale Carnegie vì cuốn sách làm thay đổi suy nghĩ “hữu xạ tự nhiên hương” của tôi và cho tôi thấy bất cứ mối quan hệ nào cũng cần nên đầu tư thời gian và đôi khi là “kỹ thuật”. Lên đại học, tôi thích văn học, văn hóa, các tác giả Mỹ viết về mảng này, tỉ như John Stenibeck có lối hành văn rất đẹp, khá giống Thạch Lam của Việt Nam. Khi dịch cuốn Bí Ẩn Nữ Tính, tôi cũng thích Betty Friedan, vì bà chỉ cho tôi thấy làm vợ làm mẹ làm nội trợ thuần túy (theo kiểu cực đoan) thì sẽ khổ sở thế nào không chỉ cho phụ nữ, mà còn cho cả nam giới, trẻ nhỏ và xã hội. Song việc cân bằng giữa thế giới việc làm, xã hội và thế giới gia đình, rồi thế giới nội tâm của phụ nữ quả là rất khó. Bản thân tác giả cũng không tìm ra câu trả lời. Do đó cuốn sách khiến tôi thích thú ở chỗ, tác giả để ngỏ và thúc giục người đọc tự tìm câu trả lời cho mình. Đó cũng là điểm tôi vô cùng tâm đắc ở các tác giả Âu Mỹ – đó là họ ít rập khuôn, ít bo tròn người đọc. Người đọc luôn là thành tố tham gia vào quá trình đọc và bình luận. Không như các tác phẩm của Việt Nam ta, tác giả thường “lên lớp” người đọc, khiến người đọc đọc rất mệt mỏi và mau chán.
Cám ơn chị đã dành thời gian trả lời!
Thinh Ker thực hiện.
Leave a Comment